TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CÁC CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC VỀ BHXH, BHYT, BHTN
Chiều ngày 23/10, cuộc họp với mục đích triển khai tham gia BHXH, công đoàn và các chính sách phúc lợi cho nhân viên dưới sự chủ trì, điều phối của BGĐ công ty Tâm Đức cùng đại diện từ phía đối tác đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về BHXH, BHYT, BHTN cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cấp lãnh đạo công ty Tâm Đức cập nhật các tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN để cung cấp cho người lao động. Đặc biệt, chỉ đạo các công đoàn cơ sở quan tâm tập hợp, phản ánh các ý kiến của người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT.
Đây là cơ hội cho người lao động được chia sẻ thông tin để hiểu rõ hơn các chính sách về BHXH cũng như các quyền lợi của người lao động theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, nắm bắt các ý kiến phản hồi, thắc mắc của người lao động về các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN,… Nhằm vận động nhân viên tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Tại cuộc họp BGĐ công ty đã chỉ rõ cũng như tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về những lợi ích to lớn của việc tham gia BHXH và công đoàn góp phần thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN…
Mục tiêu của cuộc họp tuyên truyền vận động lao động tham gia BHXH và công đoàn nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro: ốm đau, tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp… cũng như góp phần vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC THAM GIA BHXH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Quyền lợi BHXH khi ốm đau, bệnh tật
Quyền lợi này chỉ áp dụng đối với người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định. Theo đó người tham gia khi ốm đau, bệnh tật sẽ được hưởng quyền lợi về:
(1) Số ngày nghỉ do nằm viện hoặc chăm sóc y tế. Thời gian lao động được nghỉ khi ốm đau căn cứ vào số năm đóng BHXH.
- Thời gian đóng BHXH dưới 15 năm được nghỉ 30 ngày.
- Thời gian đóng BHXH 15 năm đến dưới 30 năm được nghỉ 40 ngày.
- Thời gian đóng BHXH ít nhất 30 năm được nghỉ 40 ngày.
Trường hợp đặc biệt, lao động làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc khu có trợ cấp vùng tối thiểu 0.7 thì thời gian nghỉ trên mỗi trường hợp được cộng thêm 10 ngày. Tổng thời gian nghỉ không quá 180 ngày.
(2) Người tham gia được được nhận tiền trợ cấp ốm đau. Trường hợp bệnh thông thường thì mức trợ cấp bằng 75% tháng lương gần nhất trước khi nghỉ ốm. Đối với người bị bệnh dài ngày cần điều trị thì hưởng mức thấp hơn, căn cứ vào thời gian tham gia BHXH.
2. Quyền lợi BHXH khi mang thai và sinh con
Người tham gia BHXH bắt buộc trong quá trình mang thai và sinh con đều sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định gồm số ngày nghỉ và tiền trợ cấp. Bên cạnh đó cả đối tượng là nam giới có vợ sinh con cũng sẽ được nhận chế độ này. Cụ thể về các mức quyền lợi như sau:
(1) Số ngày nghỉ thai sản. Người lao động khi đủ điều kiện sẽ được nghỉ thai sản như sau:
– Trường hợp khám thai: nghỉ 5 lần, mỗi lần 1 ngày, nếu nơi khám xa thì mỗi lần nghỉ 2 ngày.
– Trường hợp sảy, nạo, hút hoặc phá thai, thai bệnh lý hoặc bị lưu thì nghỉ theo tuổi thai: thai dưới 5 tuần nghỉ 10 ngày, từ 5 tuần đến dưới 13 tuần nghỉ 20 ngày, từ 13 tuần đến dưới 25 tuần nghỉ 40 ngày. Thai từ 25 tuần trở lên được nghỉ 50 ngày.
– Nghỉ sinh con: trường hợp sinh thường và một con được nghỉ 6 tháng, cứ thêm một con thì được nghỉ thêm một tháng.
– Nghỉ khi vợ sinh con: lao động nam có vợ sinh con được nghỉ 5 ngày nếu sinh thường, 7 ngày nếu vợ sinh mổ hoặc con sinh ra dưới 31 tuần.
– Con chết sau sinh: con 2 tháng tuổi trở lên được nghỉ 2 tháng, dưới 2 tháng tuổi nghỉ 4 tháng.
– Người sinh con hộ được hưởng chế độ đến khi giao trẻ, người nhận con nuôi hưởng đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
– Tránh thai: lao động nữ được nghỉ 7 ngày đối với biện pháp thông thường, 15 ngày khi triệt sản.
(2) Số tiền trợ cấp thai sản được nhận. Đối với trường hợp sinh con, người lao động sẽ được hưởng 6 tháng bình quân lương tháng đóng BHXH. Ngoài ra, lao động được thêm trợ cấp một lần tính bằng 2 lần mức lương cơ sở hiện hành. Lao động sau sinh mà sức khỏe yếu sẽ được nghỉ 5 ngày khi sinh thường, 7 ngày khi sinh mổ.
3. Quyền lợi BHXH khi tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp
Người tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng chế độ này khi trong quá trình làm việc/ lao động không may gặp tai nạn lao động hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp bằng tiền và thời gian nghỉ để phục hồi sức khỏe. Cụ thể:
(1) Đối với trường hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% – 30%. Nếu lao động bị suy giảm lao động 5% thì được trợ cấp 5 lần lương cơ sở. Sau đó tỷ lệ này cứ tăng lên 1% thì được hưởng thêm ½ lần lương cơ sở.
Ngoài ra, lao động được hưởng theo thâm niên đóng BHXH: từ 1 năm trở xuống được hưởng thêm 0.5% mức lương đóng BHXH của tháng cuối trước khi nghỉ việc. Sau đó, cứ đóng thêm 1 năm sẽ hưởng thêm 0.3%.
(2) Đối với trường hợp suy giảm khả năng lao động 31% trở lên. Lao động bị suy giảm 31% được hưởng 30% lương cơ sở, cứ thêm 1% được cộng thêm 2% của lương cơ sở. Mức trợ cấp tính theo thâm niên tính như trường hợp trên.
(3) Đối với trường hợp suy giảm khả năng lao động tối thiểu 81%. Chế độ trong trường hợp này được áp dụng nếu lao động bị các chấn thương như: liệt cột sống hoặc mắt bị mù, bị tâm thần, hai chân bị cụt hoặc liệt không thể hoạt động. Mức trợ cấp tính theo lương cơ sở hiện hành.
4. Quyền lợi BHXH khi về hưu
Đối với chế độ hưu trí thì người tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc đều sẽ được nhận. Tuy nhiên sẽ chỉ áp dụng khi người tham gia đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng BHXH theo quy định. Trong trường hợp đủ điều kiện người tham gian sẽ được nhận các quyền lợi gồm tiền lương hưu hàng tháng hoặc nhận tiền trợ cấp một lần.
(1) Lương hưu hàng tháng từ 01/01/2018 được tính bằng 45% mức trung bình lương tháng đóng BHXH đối với 15 năm. Sau đó, người tham gia cứ đóng thêm 1 năm thì được cộng thêm 2%. Mức tối đa là 75%. Trường hợp nghỉ hưu sớm thì cứ 1 năm giảm 2% so với thông thường.
2. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Người đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và có mức hưởng cao hơn 75% lương bình quân đóng BHXH ngoài lương hưu còn được nhận trợ cấp một lần. Cứ mỗi tháng đóng BHXH được trợ cấp thêm 0.5 tháng lương.
5. Quyền lợi BHXH khi mất
Chế độ áp dụng đối với cả người tham gia BHXH theo hình thức bắt buộc và tự nguyện. Đối tượng thụ hưởng là người tham gia đóng BHXH và thân nhân của họ thông qua tiền trợ cấp gồm:
(1) Trợ cấp mai táng là chi phí mai táng cho người đã mất. Mức trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần mức lương cơ sở ở thời điểm người tham gia Bảo hiểm qua đời. Mức này áp dụng cho cả trường hợp tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc.
(2) Trợ cấp hàng tháng áp dụng khi người tham gia BHXH chế độ bắt buộc. Mức trợ cấp tính bằng 50% mức lương cơ sở trong trường hợp thông thường và bằng 70% nếu người thân không có ai trực tiếp nuôi dưỡng.
(3) Trợ cấp tuất hưởng một lần sẽ được tính bằng 1.5 lần mức lương bình quân đóng BHXH cho những năm trước 2014, và bằng 2 lần mức lương bình quân đóng BHXH cho thời gian từ 2014 trở đi.
6. Quyền lợi rút Bảo hiểm xã hội 1 lần
Quyền lợi này được áp dụng đối với người đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi họ không có nhu cầu tiếp tục tham gia đóng BHXH để được hưởng các quyền lợi như đã đề cập bên trên. Người tham gia BHXH muốn rút BHXH 1 lần chỉ cần gửi yêu cầu đến cơ quan BHXH. nếu đủ điều kiện thì có thể lãnh tiền BHXH bất cứ lúc nào.
Trong thực tế nhà nước không khuyến khích người tham gia rút BHXH 1 lần nếu không quá bắt buộc vì điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình tham gia đóng BHXH của người tham gia. Bên cạnh đó việc rút BHXH sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến mức tiền hưởng trợ cấp nhận được.
Mong rằng những chia sẻ trong bài viết trên đây có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.